THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CỔ PHẦN

  Thứ Tue, 29/11/2022  (0)Bình luận

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CỔ PHẦN

Công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn, một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó. Vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu gọi là cổ đông...

1. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp năm 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp 

Thông tư 01/2021/BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 của Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp 

2. Điều kiện thành lập công ty cổ phần 

2.1. Đối tượng có quyền thành lập công ty cổ phần: 

Tất cả cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập công  ty, ngoài các trường hợp sau: Cán bộ, công nhân viên chức đang giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp nhà nước (những đối tượng này chỉ được tham gia góp vốn với tư cách cổ đông, chứ không được thành lập quản lý doanh nghiệp); Sĩ quan/hạ sĩ quan/quân nhân chuyên nghiệp/công nhân viên chức quốc phòng… (ngoại trừ những cá nhân được nhà nước ủy quyền); Các cá nhân chưa là vị thành niên, không đủ năng lực hành vi dân sự hoặc đang trong thời gian thi hành án/truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.2. Điều kiện thành lập công ty cổ phần

        - Điều kiện về số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần: thành lập công ty cổ phần phải có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập, không giới hạn số lượng cổ đông tối đa

        - Điều kiện về tên công ty: Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước trong toàn quốc gia; trừ trường hợp doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản (quy định tại điều 41 Luật Doanh nghiệp); cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. 

       - Điều kiện về trụ sở công ty: Khi thành lập, công ty cổ phần phải có trụ sở chính tuân thủ theo quy định chung tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: “Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).”, đồng thời, trụ sở của công ty cổ phần không được là chung cư, khu tập thể. 

       - Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: Khi thành lập công ty cổ phần, ngành nghề sẽ phải áp theo mã hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân (Theo quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam); Công ty cổ phần có quyền đăng ký kinh doanh ở mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm (được quy định tại Điều 6 Luật đầu tư năm 2020)

            Đối với những ngành nghề có điều kiện, doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần nói riêng phải thỏa mãn các điều kiện để được thành lập như: điều kiện về mức vốn đăng ký, chứng chỉ hành nghề để đủ điều kiện hoạt động. 

           Hiện nay, khi đăng ký hoạt động, doanh nghiệp chưa cần đáp ứng các điều kiện về chứng chỉ, giấy phép con nhưng khi hoạt động thực tế thì cần đáp ứng các điều kiện này. Với một số ngành nghề như xuất khẩu lao động, bưu chính, bảo hiểm, chứng khoán…yêu cầu vốn pháp định thì doanh nghiệp cần đăng ký vốn điều lệ tối thiểu bằng vốn pháp định. Tuy nhiên, doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh vốn đăng ký khi nộp hồ sơ thành lập công ty cổ phần.

         - Điều kiện về người đại diện theo pháp luật: người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần là cá nhân. Theo quy định tại khoản 2 điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty." 

           - Điều kiện về vốn điều lệ: Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (Khoản 34 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) 

Theo quy định, thời gian để các cổ đông góp đủ vốn đăng ký mua là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn này nếu cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì doanh nghiệp phải thực hiện thay đổi thông tin cổ đông sáng lập và giảm vốn về vốn điều lệ đã góp được trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ. 

- Điều kiện về thành viên hội đồng quản trị: Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần thông thường có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác; Tuy nhiên, thành viên hội đồng quản trị của 01 công ty cổ phần là công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị tại quá 05 công ty khác (Quy định này có hiệu lực từ 01/08/2019.)

3. Quy trình thành lập công ty cổ phần

3.1. Tiếp nhận thông tin, tư vấn thành lập 

Để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị những thông tin: thông tin cổ đông, tên công ty, trụ sở, vốn, ngành nghề, người đại diện theo pháp luật và kèm theo bản sao công chứng thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với cổ đông là tổ chức) 

3.2. Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty cổ phần 

    - Giấy đề nghị thành lập công ty cổ phần (Theo mẫu Phụ lục I-4 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) 

    - Điều lệ công ty (Theo quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020) 

    - Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài; Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức (Theo mẫu Phụ lục I-7 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) 

    - Bản sao thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với trường hợp người thành lập là cá nhân)

    - Bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy tờ tương đương khác) (đối với trường hợp người thành lập là tổ chức; Thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản ủy quyền tương ứng)

   - Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành)

    - Quyết định góp vốn của cổ đông là tổ chức 

    - Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ

    - Mục lục hồ sơ

    - Bìa hồ sơ (bìa giấy mỏng hoặc nylon cứng, không có chữ sử dụng cho mục đích khác) 

    - Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

3.3. Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và nộp lệ phí 

    - Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần và lệ phí công bố thông tin doanh nghiệp sẽ được nộp kèm hồ sơ sau khi được các cổ đông ký theo quy định. Hồ sơ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. 

    - Thời hạn giải quyết hồ sơ là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

    - Lệ phí đăng ký: 50.000 đồng/lần cấp 

3.4. Khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp 

         Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp không cần phải công bố mẫu con dấu trước khi sử dụng con dấu. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu chỉ bắt buộc thể hiện những thông tin sau đây: Tên doanh nghiệp; Mã số doanh nghiệp.

         Như vậy, theo quy định mới này hình thức con dấu là do doanh nghiệp lựa chọn và quyết định chỉ cần đảm bảo các thông tin tối thiểu nêu trên và không cần tiến hành thủ tục công bố mẫu con dấu trước khi khi sử dụng.

3.5. Các cổ đông thực hiện góp vốn  

          Các cổ đông công ty góp đủ vốn điều lệ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định. Việc góp vốn được thực hiện hoàn toàn bằng tiền mặt, trường hợp cổ đông góp vốn là tổ chức thì bắt buộc thực hiện việc góp vốn thông qua hình thức chuyển khoản

3.6. Hoàn thiện các thủ tục sau thành lập 

       - Mở tài khoản ngân hàng của công ty 

       - Đăng ký chữ ký điện tử, thực hiện nộp thuế điện tử và đề nghị phát hành hóa đơn điện tử 

Trên đây là những thông tin về thủ tục thành lập công ty cổ phần, để thực hiện thủ tục pháp lý liên quan trên thực tế hoặc cần tư vấn cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi vào hotline 0987754209 hoặc đặt câu hỏi qua hòm thư của của Luật Nam Hoàng.

Trân trọng./.