Thủ Tục Đăng Ký Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

  Thứ Tue, 06/12/2022  (0)Bình luận

Lời Mở Đầu

Đăng ký sở hữu trí tuệ là một việc làm rất quan trọng và cần thiết của chủ sở hữu để bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình, việc đăng ký sẽ giúp khách hàng được độc quyền sử dụng sản phẩm đã đăng ký trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ không những thúc đẩy hoạt động quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần tạo sự tin tưởng trong mối quan hệ với các đối tác mà còn giúp doanh nghiệp được bảo vệ cho quyền lợi của mình trước những hành vi sử dụng trái phép các quyền sở hữu trí tuệ đó, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức sâu rộng và hội nhập thị trường như hiện nay, đăng ký sở hữu trí tuệ là một trong những điều mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm và đánh giá được sự cần thiết của nó. Doanh nghiệp dù trong nước hay nước ngoài, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng cần xây dựng một sự uy tín với đối tác và người tiêu dùng, đăng ký tài sản trí tuệ là căn cứ pháp lý để phát triển những lợi ích của mình. Sau đây Công ty Luật TNHH Nam Hoàng sẽ giới thiệu đến bạn đọc bài viết Thủ Tục Đăng Ký Quyền Sở Hữu Trí Tuệ

1. Khái niêm sở hữu trí tuệ theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2022

Sở hữu trí tuệ hay còn gọi là quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

2. Các loại hình sản phẩm đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về quyền sở hữu trí tuệ như sau: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Bởi vì các tài sản trí tuệ là kết quả của cả quá trình tư duy, sáng tạo nên dù những tài sản này không quy ra được giá trị vật chất cụ thể nhưng lại mang lại giá trị tinh thần to lớn và cũng mang lại những giá trị lợi ích khác mà cá nhân, doanh nghiệp cần.

Các tài sản trí tuệ có thể là tác phẩm, bài viết, sách, bài hát, kịch bản, phần mềm, logo, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, giống vật nuôi, cây trồng, ... Ứng với mỗi loại tài sản trí tuệ là một loại hình đăng ký sở hữu trí tuệ khác nhau, về cơ bản có thể chia ra làm các loại sau đây:

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với sở hữu công nghiệp

+ Đăng ký nhãn hiệu

+ Đăng ký Sáng chế, giải pháp hữu ích

+ Đăng ký Kiểu dáng công nghiệp;

+ Đăng ký chỉ dẫn địa lý

– Quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả và quyền liên quan.

+ Đăng ký xác lập quyền tác giả tại Cục Bản Quyền tác giả Việt Nam hay gọi đơn giản là đăng ký bản quyền tác giả

+ Đăng ký xác lập quyền liên quan tại Cục Bản Quyền tác giả Việt Nam bao gồm:

  (i) Quyền liên quan cuộc biểu diễn

  (ii) Quyền liên quan bản ghi âm, ghi hình

 (iii) Quyền liên quan đến chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;

– Quyền sở hữu trí tuệ với quyền cây trồng

Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp

3. Thủ tục Đăng ký sở hữu trí tuệ

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, đối tượng sở hữu trí tuệ sẽ được chia nhỏ như sau: 

– Đăng ký Sở hữu công nghiệp

– Đăng ký Bản Quyền tác giả, quyền liên quan

– Đăng ký Quyền liên quan đến giống cây trồng

Tùy thuộc vào từng sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ để được phân loại và đăng ký theo các đối tượng nêu trên. Ví dụ: Nhãn hiệu (logo, thương hiệu) sẽ được đăng ký dưới đối tượng là sở hữu công nghiệp (đăng ký độc quyền nhãn hiệu) hoặc bài hát sẽ được đăng ký dưới đối tượng quyền tác giả với loại hình tác phẩm là tác phẩm âm nhạc.

Với mỗi sản phẩm đăng ký sẽ có các bước tiến hành khác nhau và do các cơ quan quản lý khác nhau thực hiện việc thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký SHTT. Tuy nhiên, về cơ bản các bước sẽ được thực hiện như sau:

Bước 1: Lựa chọn đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ

Các đối tượng đăng ký thuộc mục 2 của bài viết này

Bước 2: Xác định cơ quan đăng ký sở hữu trí tuệ

Cơ quan đăng ký sẽ được xác định như sau:

– Đăng ký Sở hữu công nghiệp sẽ do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tiến hành thủ tục hành chính để nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước

– Đăng ký Bản Quyền tác giả, quyền liên quan sẽ do Cục bản quyền tác giả Việt Nam tiến hành thủ tục hành chính như trên

– Đăng ký Quyền liên quan đến giống cây trồng sẽ do Cục trồng trọt tiến hành thủ tục hành chính nêu trên

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ

Hồ sơ đăng ký sẽ được tiến hành bởi chủ đơn đăng ký hoặc người được chủ đơn ủy quyền. Chi tiết hồ sơ đăng ký như sau:

Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:

+ 02 bản tờ khai đăng ký của một trong các đối tượng sau: sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp ( theo mẫu của Cục SHTT);

+ 05 mẫu nhãn hiệu đình kèm với kích thước 8cm x 8 cm (áp dụng đối với việc đăng ký nhãn hiệu);

+ 02 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp kèm theo bản chụp sản phẩm đăng ký – Áp dụng đối với đăng ký kiểu dáng công nghiệp;

+ 02 bản mô tả sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có), yêu cầu bảo hộ sáng chế (trường hợp đăng ký sáng chế)

+ 02 bản mô tả giải pháp hữu ích, yêu cầu bảo hộ (trường hợp đăng ký giải pháp hữu ích)

+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền;

+ Tài liệu khác liên quan (nếu có)

– Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ áp dụng cho quyền tác giả và quyền liên quan tác giả

+ Đơn đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan tác giả theo mẫu của Cục bản quyền tác giả;

+ Giấy cam đoan của tác giả sáng tác ra tác phẩm;

+ Quyết định giao việc cho tác giả hoặc hợp đồng, văn bản chứng minh việc đi thuê bên khác sáng tạo ra tác phẩm;

+ Tuyên bố của tác giả về chủ sở hữu tác phẩm

+ Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho đơn vị thứ 3 thực hiện việc đăng ký quyền tác giả;

+ Chứng minh thư nhân dân của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bản sao chứng thực)

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết thành thành lập….vv( bản sao chứng thực và áp dụng trường hợp chủ sở hữu tác phẩm là pháp nhân)

+ Văn bản đồng ý của các tác giả trong trường hợp tác phẩm đăng ký có nhiều tác giả;

+ 02 bản tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan.

Lưu ý: Tác phẩm được nộp kèm theo hồ sơ đăng ký sẽ được Cục bản quyền trả lại 1 bản sau khi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký, phụ thuộc vào từng loại hình tác phẩm đăng ký mà sẽ có tác phẩm nộp khác nhau. Ví dụ: Khi đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc (bài hát), chủ sở hữu sẽ nộp kèm theo 02 bản in tác phẩm (bài hát bao gồm phần lời và phần nhạc)

– Hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ với giống cây trồng:

+ Tờ khai (đơn) đăng ký giống cây trồng theo mẫu;

+ Ảnh chụp kèm tờ khai về kỹ thuật theo mẫu quy định;

+ Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền cho việc đăng ký trường hợp sử dụng dịch vụ đăng ký;

+ Tài liệu khác như tài liệu chứng mình quyền của người nộp đơn; quyền được chuyển giao; quyền được hưởng ngày ưu tiên…vv

Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký

Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký, chủ đơn hoặc người được chủ đơn ủy quyền sẽ tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan tiến hành thủ tục hành chính nêu trên phụ thuộc vào từng đối tượng đăng ký.

Địa chỉ nộp đơn đăng ký tại 03 cơ quan đăng ký như sau:

– Cục sở hữu trí tuệ:

386 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Tổng đài: (04) 3858 3069, (04) 3858 3425, (04) 3858 3793, (04) 3858 5156.

– Cục bản quyền tác giả

Số 33 Ngõ 294/2 phố Kim Mã, Quận Ba Đình, TP Hà Nội

– Cục Trồng Trọt

Nhà A6, 2, Ngọc Hà, Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Thành Phố Hà Nội, Ngọc Hồ, Ba Đình, Hà Nội

Bước 5: Nhận giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ từ cơ quan chức năng

Sau khi nộp xong hồ sơ đăng ký, hồ sơ sẽ chuyển qua các giai đoạn thẩm định khác nhau và thời gian sẽ kéo dài phụ thuộc vào từng đối tượng đăng ký sở hữu trí tuệ. Ví dụ: Nhãn hiệu sẽ khoảng từ 20- 28 tháng, Kiểu dáng công nghiệp sẽ khoảng từ 14-17 tháng, Giống cây trồng sẽ khoảng 3-6 tháng…vv.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký, cơ quan đăng ký sẽ ra thông báo về tiến hành công việc, thông báo thiếu xót, thông báo dự định từ chối… vv. Do đó, người nộp đơn cần hết sức chú ý để tránh trường hợp đơn đăng ký bị từ chối đăng ký.

Cuối cùng, sau khi hoàn thành xong quá trình thẩm định đơn đăng ký, Cơ quan đăng ký sẽ ra quyết định cuối cùng về việc đồng ý hoặc không đồng ý cấp giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đăng ký. Dựa vào thông báo này, người nộp đơn sẽ tiến hành các công việc tiếp theo.

Trên đây là nhưng chia sẻ của Công ty Luật TNHH Nam Hoàng, để được tư vấn và hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ quý khách hãy liên hệ qua số hotline: 0987754209 hoặc đặt câu hỏi qua hòm thư của của Công Ty Luật TNHH Nam Hoàng.