Thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân

  Thứ Thu, 02/03/2023  (0)Bình luận

Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách rời với tài sản của chủ doanh nghiệp vì vậy doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định về pháp nhân như sau:

“ Điều 74: Pháp nhân

  1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
  1. Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  2. Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
  3. Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  4. Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
  1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Ở đây, tài sản của cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân và tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có sự phân tách nên doanh nghiệp tư nhân không có đủ điều kiện để được công nhận là một pháp nhân.

Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn có một chương riêng quy định về quy chế pháp lý của doanh nghiệp tư nhân bao gồm quản lý doanh nghiệp tư nhân, cho thuê doanh nghiệp tư nhân, bán doanh nghiệp tư nhân, thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong các trường hợp đặc biệt.

Điều 192 Luật Doanh nghiệp quy định Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

Khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp quy định khi Chủ doanh nghiệp tư nhân chết, những người thừa kế theo thỏa thuận sẽ là Chủ doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tục bán doanh nghiệp, tặng cho doanh nghiệp, thừa kế doanh nghiệp được thực hiện như sau:

Bước 1: Ký kết hợp đồng chuyển nhượng, lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

  • Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân được thực hiện giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và một cá nhân khác. Cá nhân mua doanh nghiệp tư nhân cần có đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự. Hiện nay, hợp đồng chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân không quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Nhưng để đảm bảo tính pháp lý cũng như tránh các hậu quả có thể phát sinh các bên mua bán nên thực hiện lập hợp đồng tại các văn phòng công chứng. Nếu cần thiết ghi nhận thực hiện nghĩa vụ các bên có thể lập vi bằng sự kiện thực hiện nghĩa vụ tại văn phòng thừa phát lại.
  • Lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại văn phòng công chứng. Hiện nay pháp luật quy định văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không bắt buộc phải công chứng. Nhưng nếu văn bản đó có thỏa thuận về chia di sản là quyền sử dụng đất thì bắt buộc phải tuân theo pháp luật công chứng. Để đảm bảo tính pháp lý cao nhất cho trường hợp thừa kế doanh nghiệp, các người thừa kế nên thực hiện ở văn phòng công chứng.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ nộp thay đổi Chủ doanh nghiệp tư nhân.

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho. Trong trường hợp thừa kế thì cần chữ ký của người thừa kế.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho, người thừa kế.
  • Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh việc mua bán. Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho. Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế trong trường hợp thừa kế.

Khi người nộp hồ sơ không phải là chủ doanh nghiệp thì cần ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện như sau.

Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì kèm theo hồ sơ là văn bản ủy quyền và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân. Đối với văn bản ủy quyền không cần phải công chứng.

Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thì kèm theo hồ sơ là:

  • Bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ.
  • Giấy giới thiệu của tổ chức cung cấp dịch vụ.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của người được tổ chức cung cấp dịch vụ giới thiệu.

Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thì nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Nộp hồ sơ.

Hiện nay có 03 phương thức nộp hồ sơ bao gồm:

  • Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
  • Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Tham khảo thêm các bài viết khác tại website để biết chi tiết các phương thức nộp hồ sơ.

 

Trên đây là những thông tin về Thay đổi Chủ doanh nghiệp tư nhân, để thực hiện thủ tục pháp lý liên quan trên thực tế hoặc cần tư vấn cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi vào hotline 0987754209 hoặc đặt câu hỏi qua hòm thư của của Luật Nam Hoàng.

Trân trọng./.