Lãi suất theo quy định của Pháp luật dân sự

  Thứ Fri, 03/03/2023  (0)Bình luận

Trong cuộc sống hằng ngày, việc cho vay nợ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức là quan hệ phổ biến. Các quan hệ này được gọi là quan hệ dân sự và thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Tuy nhiên không ít quan hệ cho vay có nội dung vi phạm quy định pháp luật, thậm chí nhiều trường hợp người cho vay đã vi phạm pháp luật hình sự. Vậy người đi vay phải làm sao để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ cho vay?  Bài viết này sẽ đề cập đến quan hệ vay nợ theo quy định của pháp luật và cách xử lý khi các bên có vi phạm pháp luật.

Trong quan hệ pháp luật dân sự này có thể chia làm 02 loại như sau:

  • Quan hệ vay nợ với tổ chức tín dụng.
  • Quan hệ vay nợ với cá nhân, pháp nhân khác.
  1. Đối với quan hệ vay nợ với tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng bao gồm Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó còn có Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài.

Các tổ chức tín dụng được thành lập theo Luật các tổ chức tín dụng và hoạt động dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước nên việc các tổ chức này vi phạm pháp luật là không cao.

  1. Đối với quan hệ vay nợ với cá nhân, pháp nhân khác.

Hiện nay, quan hệ cho vay giữa cá nhân với cá nhân là quan hệ dân sự bởi vì các bên không có đăng ký kinh doanh, không hoạt động kinh doanh thường xuyên. Vì vậy các quan hệ này được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự.

Tất cả các quan hệ vay nợ được xác lập từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015.  

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015:

Các quan hệ pháp luật phải đảm bảo đủ 03 yếu tố là chủ thể, khách thể và nội dung.

  • Chủ thể là các bên ký kết hợp đồng cho vay. Nếu là cá nhân thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với cá nhân cho vay từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì được xác lập một số quan hệ nhất định ( Khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự). Nếu là pháp nhân thì phải được thành lập theo quy định pháp luật và đáp ứng đủ điều kiện của Bộ luật dân sự ( Điều 74 Bộ luật dân sự).
  • Khách thể của quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Trong trường hợp này là quan hệ cho vay.
  • Nội dung là các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cho vay. Hiện nay theo quy định của luật dân sự thì quan hệ cho vay được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng có thể bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản hoặc văn bản có công chứng, chứng thực. Hợp đồng vay thì có thể được xác lập bằng bất kỳ hình thức nào. Bên cho vay thường hướng tới giá trị nhận được khi kết thúc hợp đồng nên điều khoản về lãi suất là một điều khoản mà các bên thường đặt ra.

Điều 468 Bộ luật dân sự: “ 1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Đối với các tổ chức tín dụng, mức lãi suất cho vay sẽ thấp hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật dân sự. Mức lãi suất của các tổ chức tín dụng được áp dụng theo Quyết định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Đối với các hợp đồng có điều khoản về lãi suất cao hơn lãi suất được quy định thì khi có tranh chấp xảy ra, phần thỏa thuận về lãi suất sẽ bị vô hiệu.

Thực tế đã có nhiều người đi vay với lãi suất lên đến 300%/ năm tức là  gấp nhiều lần theo quy định của luật dân sự dẫn tới việc không trả được tiền gốc và tiền lãi theo thỏa thuận.

Trong trường hợp này, các bên có thể giải quyết như sau:

  1. Tiến hành thỏa thuận lại về lãi suất theo đúng quy định của pháp luật là mức 20%/năm.
  2. Tiến hành khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay.

Ngoài ra, nếu người cho vay thỏa mãn Cấu thành tội phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ( lãi suất cho vay từ 100%/năm và đã nhận số tiền lãi sau khi trừ lãi suất quy định vượt quá 30 triệu đồng) theo Điều 201 Bộ luật hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Người đi vay có thể tố cáo tại cơ quan công an các cấp.

 

Trên đây là những thông tin về Lãi suất theo quy định của Luật dân sự và pháp luật có liên quan trên thực tế hoặc cần tư vấn cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi vào hotline 0987754209 hoặc đặt câu hỏi qua hòm thư của của Luật Nam Hoàng.

Trân trọng./.