HẬU QUẢ CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ DO NGƯỜI KHÔNG CÓ QUYỀN ĐẠI DIỆN XÁC LẬP, THỰC HIỆN

  Thứ Fri, 21/04/2023  (0)Bình luận

Căn cứ xác lập quyền đại diện được quy định như thế nào?

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).

Các hình thức đại diện

Có hai hình thức đại diện, bao gồm: (i) Đại diện theo pháp luật; và (ii) Đại diện theo ủy quyền.

Đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật của cá nhân:

Người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:

- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện trong hai trường hợp nêu trên.

- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân:

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

- Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

- Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

- Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015.

Đại diện theo ủy quyền

Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện là giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện bởi người không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện như sau:

Thứ nhất, giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một số trường hợp theo luật định.

Người không có quyền đại diện xác lập giao dịch với người thứ ba nhân danh người được đại diện thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. Hành vi nhân danh người khác là hành vi vi phạm pháp luật có thể xâm phạm đến danh dự, uy tín của người được nhân danh và có thể gây thiệt hại cho người được nhân danh. Nói cách khác, đó là hành vi mạo danh người khác tham gia giao dịch. Do đó, người nhân danh người khác tham gia giao dịch phải tự chịu trách nhiệm với người đã tham gia giao dịch đó.

Tuy nhiên, giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện vẫn làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện trong các trường hợp sau đây:

- Người được đại diện đã công nhận giao dịch;

- Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

- Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

Thứ hai, giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình. Nếu người thứ ba đã biết hoặc buộc phải biết người tham gia giao dịch với mình không có quyền đại diện mà vẫn xác lập giao dịch thì giao dịch đó vô hiệu, vì vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch là không có ý chí tự nguyện của người tham gia giao dịch.

Thứ ba, người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu người mạo danh người khác xác lập, thực hiện giao dịch với mình phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

 

Trên đây là bài viết về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục pháp lý liên quan trên thực tế hoặc cần tư vấn cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi vào hotline 0987754209 hoặc đặt câu hỏi qua hòm thư của của Luật Nam Hoàng.

Trân trọng./.

Viết bình luận của bạn: